Du lịch Tây Nguyên không chỉ khám phá những cảnh đẹp núi non hùng vĩ mà bạn còn được tham gia vào nhiều lễ hội hấp dẫn. Vậy Tây Nguyên có những lễ hội nào và các lễ hội Tây Nguyên nổi tiếng được tổ chức ở đâu, khi nào thì bạn hãy theo dõi thông tin mà dulich9.com tổng hợp lại dưới đây nhé!
Lễ hội Tây Nguyên
Tham khảo thêm một số bài viết liên quan:
Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên
- Thời gian diễn ra lễ hội: Hiện nay vẫn chưa có thời gian diễn ra lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên cụ thể mà mỗi năm tổ chức vào một thời điểm khác nhau.
- Địa điểm diễn ra lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên: Luân phiên trong 5 tỉnh Tây Nguyên đó là Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kontum, Đăk Nông và Gia Lai.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thể nói là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên vô cùng hấp dẫn mà ai cũng muốn một lần được tham dự. Nhờ vào những truyền thống quý báu còn lưu giữ và sự tinh tế trong nét văn hóa của người dân Tây Nguyên mà lễ hội này đã trở thành một di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại được tổ chức UNESCO công nhận.
Trong mùa lễ hội, bạn sẽ được hòa mình vào những giai điệu hào hùng hay nhẹ nhàng được phát ra từ những chiếc cồng chiêng do người dân Tây Nguyên tự tay làm ra. Nếu thích bạn hãy cùng những chàng trai, cô gái Tây Nguyên ca múa bên đống lửa bập bùng và thưởng thức đặc sản Tây Nguyên để hiểu rõ hơn về cuộc sống văn hóa của người dân nơi đây nha.
Lễ cúng bến nước
- Thời gian diễn ra lễ hội: Lễ cúng thường được tổ chức vào tháng 3 dương lịch hàng năm, sau mùa thu hoạch.
- Địa điểm: Các buôn làng của người đồng bào Ê đê.
Trong phong tục lễ hội Tây Nguyên thì lễ cúng Thần Nước là một ngày lễ quan trọng nhất là với người đồng bào Ê Đê. Ngày lễ cúng bến nước thường diễn ra ngay sau khi vụ mùa thu hoạch mùa màng kết thúc nhằm tạ ơn Thần Nước vì những gì họ đã gặt hái được trong mùa trước. Đồng thời, cầu mong thần Nước cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe và cuộc sống ấm no cho dân làng.
Nghi thức lễ cúng bến nước gồm có 3 phần: Hồi chiêng báo cáo thần linh là dân làng đang đi về bến nước để dâng lễ vật tế thần; lễ cúng bến nước tại bến nước của buôn làng và cúng sức khỏe tại gia đình chủ bến nước.
Sau khi kết thúc phần lễ, người dân trong buôn làng sẽ lấy nước vào các ống tre và quả bầu khô bỏ vào gù cõng về nhà, chủ bến nước sau đó sẽ mời rượu bà con trong buôn, khách quý tham dự lễ hội ngày hôm đó.
Với người dân Ê Đê, đây là lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa của họ, do đó, họ luôn có ý thức giữ gìn nguồn nước sạch sẽ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai và coi nguồn nước như báu vật của cả cộng đồng, tạo nên sự gắn kết tình dân tộc của nhóm đồng bào thiểu số này.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
- Thời gian: Được tổ chức vào tuần đầu tiên trong tháng 3, một phần để người dân tưởng nhớ đến ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột 10-03-1975.
- Địa điểm: Lễ hội gồm một chuỗi các sự kiện được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Cà phê là đặc sản nổi tiếng ở Tây Nguyên và trong các lễ hội ở Buôn Ma Thuột thì lễ hội cà phê cũng là một ngày lễ lớn được người dân và du khách quan tâm. Đây là lễ hội Tây Nguyên lớn được đánh giá là lễ hội đặc sắc nhất mang tầm vóc một lễ hội cấp Quốc Gia.
Người dân ở Tây Nguyên thường tổ chức lễ hội vào 3 hàng năm, thời điểm mà nơi đây tưởng nhớ đến ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975). Mục đích diễn ra lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ thể hiện sự ấm no, mùa màng bội thu mà còn mang tính chất để quảng bá đặc sản của Buôn Ma Thuột, hình ảnh và con người của nơi đây mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền.
Thời điểm diễn ra lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, bạn có cơ hội được tham gia rất nhiều các hoạt động vui chơi, đặc sắc khác ở đây như tham gia hội chợ triển lãm các sản phẩm cà phê của Tây Nguyên, hội thi pha cà phê và hành trình du lịch cà phê… tất cả đều mang đến những trải nghiệm thú vị và tuyệt vời cho du khách cũng như người dân trong ngày diễn ra lễ hội lớn của tỉnh.
Lễ hội đua voi ở Bản Đôn
- Thời gian diễn ra lễ hội: Tháng 3 hàng năm là thời điểm lễ hội đua voi ở Buôn Đôn diễn ra
- Địa điểm diễn ra lễ hội: Buôn Đôn, xã Krông na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk
Đây là một lễ hội Tây Nguyên nổi tiếng nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng được tổ chức thường niên vào tháng 3 trong khoảng 3 ngày. Với nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn thì lễ hội này hứa hẹn sẽ khiến cho bạn cực kỳ thích thú. Một số nội dung quan trọng của lễ hội đó là lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn trâu mừng mùa (đâm trâu), voi đá bóng, voi chạy, voi bơi vượt sông Sê rê pôk, hội thi văn hoá ẩm thực các dân tộc, lễ cúng lúa mới mừng được mùa và Hội thi giã gạo…
Lễ mừng cơm mới
- Thời gian diễn ra lễ hội: Lễ hội ăn cơm mới của Tây Nguyên được tổ chức vào thời gian cuối năm âm lịch, khi mà người dân thu hoạch xong lúa (khoảng tháng 11 tới tháng 1 năm sau theo lịch dương).
- Địa điểm diễn ra lễ hội: Tất cả các buôn làng trên địa bàn Tây Nguyên
Thêm một lễ hội Tây Nguyên độc đáo mà bạn cũng nên tham gia đó chính là lễ ăn cơm mới. Thời điểm cuối năm khi tết đến xuân về là lúc mà người dân Tây Nguyên thu hoạch xong lúa và để tỏ lòng biết ơn với các vị thần đã cho họ một vụ mùa bội thu, mừng nhà có gạo, lúa mới cho cả năm sung túc. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân Tây Nguyên thường ăn uống, hát hò thâu đêm với cơm lam, gà nướng, lợn quay và rượu cần. Nếu bạn muốn tham qua lễ hội văn hóa ở Tây Nguyên này thì hãy nhớ thời gian diễn ra lễ hội để không bị bỏ lỡ cái tết của người Tây Nguyên nha.
Lễ bỏ mả
- Thời gian diễn ra lễ hội: Tháng 9 – 10 âm lịch hàng năm đối với người dân tộc Bahnar và tháng 1 – 2 âm lịch đối với dân tộc Jrai
- Địa điểm diễn ra lễ hội: Tại các bản làng của người dân tộc Bahnar và Jrai
Cũng là một lễ hội Tây Nguyên mang đậm nét truyền thống riêng biệt mà không nơi nào có được. Theo như quan niệm của một số dân tộc ở Tây Nguyên thì người đã mất không thực sự về thế giới bên kia sau khi chết mà họ có thể sẽ quay lại và nhập vào cơ thể của trẻ em nên họ mới tổ chức lễ bỏ mả để đưa linh hồn của người đã mất về với tổ tiên một cách hoàn toàn.
Lễ bỏ mả được tổ chức ở trong những ngôi nhà mồ vói nhiều bức tượng gỗ được điêu khắc khéo léo mô phỏng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày coi như bầu bạn với người đã khuất. Sau khi lễ bỏ mả tổ chức xong, người ta sẽ không tới những ngôi nhà mồ này nữa để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người khuất và cắt đứt hoàn toàn liên hệ với cõi âm.
Lễ tạ ơn cha mẹ
- Thời gian diễn ra: Sau những ngày lễ mừng lúa mới kết thúc
- Địa điểm diễn ra: cộng đồng người J’rai và Ba Na ở Kon Tum
Lễ tạ ơn cha mẹ là một lễ hội được tổ chức tại các bản làng của người dân tộc Bana và Jrai nhằm tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Những người con đã lập gia đình đã ra ở riêng sẽ chọn một ngày lành để về lại nơi sinh ra với vật cúng có thể là trâu, bò, lợn, gà tùy theo khả năng của mỗi người và tổ chức nghi lễ tạ ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục sau đó cùng liên hoan, ăn uống trong khoảng 2 ngày.
Điều đặc biệt là lễ tạ ơn ở Tây Nguyên này sẽ diễn ra cả ở nhà nội lẫn nhà ngoại, người con chuẩn bị vật tạ ơn cho cả hai nhà đều như nhau chứ không phân biệt nội ngoại để chứng tỏ cả hai bên đều quan trọng như nhau. Đây là lễ hội Tây Nguyên mang nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhằm răn dạy đạo đức cho con cái.
Tham khảo thêm:
Trên đây là những lễ hội Tây Nguyên nổi tiếng và độc đáo mà bạn có thể khám phá khi đi du lịch ở vùng đất này. Mỗi dân tộc đều có những lễ hội riêng nhằm mục đích khác nhau nên nếu có điều kiện bạn hãy cố gắng tới tham dự tất cả những lễ hội trên cả nước để hiểu hơn về văn hóa các dân tộc Việt Nam nha.