Việt Nam ta tự hào là một trong những nước có bờ biển đẹp bậc nhất thế giới. Đặc biệt, khu vực miền Trung với những thành phố lưng tựa núi, mặt giáp biển là điểm đến không thể bỏ qua cho cả du khách Việt Nam lẫn Quốc tế. Nếu muốn tránh xa sự náo nhiệt, sôi động đặc trưng của những trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… có lẽ, bờ biển Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi là một lựa chọn thú vị và hợp lí. vì những nơi này chưa được khai thác du lịch chuyên nghiệp và đại trà. Chính vì thế, bãi biển ở đây vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó và người dân xứ “Nẫu” cũng thật hiền hòa, thân thiện. (MS dự thi: 18)
Sau đây mình xin chia sẻ hành trình du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi 7 ngày của mình, dọc bờ biển miền Trung để các bạn có thêm lựa chọn cho dịp nghỉ lễ giỗ Tổ và 30.4 sắp tới.
Du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi 7 ngày
Thời gian: Tháng 3 – tháng 5, đây là thời gian tuyệt vời để đi biển. Ngoài ra, từ tháng 5 đến tháng 9 biển vẫn đẹp, nhưng vì đây là mùa du lịch, hơi đông đúc nên mình không thích lắm.
Phương tiện du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi
Các bạn có thể đặt vé máy bay giá rẻ của các hãng Vietjetair, Jetstar để bắt đầu hành trình của mình từ SG. Mình đặt vé khứ hồi của hãng Vietjet, giá khoảng 1 triệu/1 người (lượt đi ở Phú Yên, lượt về ở Quảng Ngãi). Nếu không mua được vé với giá này, mình nghĩ vé máy bay cũng chỉ tầm 1 triệu rưỡi. Ngoài ra, các bạn cũng có thể di chuyển bằng tàu lửa hoặc xe khách. Giá vé khoảng 700 ngàn (khứ hồi) cho xe khách và 1 triệu 400 ngàn cho tàu lửa. Các bạn nên kiểm tra vé và đặt sớm, nhưng theo mình đi máy bay vẫn tiện nhất vì tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
Di chuyển giữa các Tỉnh: Có 2 phương án cho các bạn lựa chọn:
+ Đi bằng xe máy: vì một bạn trong nhóm có quen một anh cho thuê xe ở Phú Yên, nên mình thuê xe máy ở PY và dùng xe này di chuyển suốt hành trình ra tới Quảng Ngãi. Trước khi lên máy bay để về lại Sài Gòn, mình gửi xe theo Tàu Bắc Nam về lại Phú Yên. Chi phí gửi khoảng 400 ngàn. Nếu các bạn đi từ SG, có thể chọn hình thức gửi xe máy trực tiếp từ đây theo xe tải, giá khoảng 500 – 700 ngàn.
Có nhiều dịch vụ kiểu này trên mạng, các bạn nên tìm hiểu và chọn nhà xe tin tưởng, hoặc có thể gửi theo tàu Thống Nhất cho yên tâm nhưng giá sẽ cao hơn một chút. Ngoài ra, các bạn cũng có thể thuê xe ở Phú Yên để sử dụng, dùng xe này cho suốt chuyến đi và sau đó quay về Phú Yên để trả xe trước khi kết thúc hành trình. Với cách này, các bạn phải bay về Sài Gòn từ Phú Yên.
+ Đi bằng xe khách: Phú Yên – Quy Nhơn có nhà xe Phúc Thuận Thảo (60 ngàn) thời gian đi khoảng 1 tiếng rưỡi. Ngoài ra cũng có nhiều xe đò chạy tuyến này, các bạn nếu không đặt trước cũng chẳng cần quá lo lắng. Cứ ra bến xe là có. Từ Quy Nhơn đi Quảng Ngãi cũng vậy. Các bạn có thể liên hệ nhà xe Thuận Thảo (150 ngàn) hoặc đến trực tiếp bến xe Bình Định để mua.
Di chuyển trong tỉnh: Các bạn có thể thuê xe máy trực tiếp tại tỉnh đó với giá khoảng 100-120 ngàn/ 1 chiếc, từ sáng đến tối. Theo mình thấy, việc vận chuyển xe từ Sài Gòn vào sẽ thuận tiện hơn nhiều và chi phí (có thể) rẻ hơn. Các bạn có thể cân nhắc việc này nhé.
Khách sạn khi du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi
Vì đây là chuyến đi du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi 7 ngày mang tính chất phượt và khám phá, nên mình không đặt trước khách sạn, vì khi mình đi cũng chưa có kế hoạch cụ thể sẽ lưu trú tại tỉnh nào trong bao nhiêu ngày. Thứ tự các khách sạn mình ở như sau:
- Phú Yên: Khách sạn Anh Tuấn, 300 ngàn/phòng đôi/1 đêm
- Quy Nhơn: Khách sạn Thanh Tùng, 350 ngàn/phòng đôi/1 đêm
- Quảng Ngãi: Nhà Nghỉ Thanh Lịch, 300 ngàn/phòng đôi/1 đêm
- Lý Sơn: nhà nghỉ Đại Dương, 250 ngàn/phòng đôi/1 đêm
Các khách sạn trên đều sạch sẽ, giá hợp lí, gần trung tâm (hoặc bãi biển). Do mình không có thời gian tìm hiểu và lựa chọn khách sạn trước, nên với mình chỗ ở như vậy là chấp nhận được. Nếu các bạn có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch, các bạn có thể tìm được nhiều deal giảm giá với những khách sạn phù hợp với bạn hơn.
Món ăn nên thử trong hành trình đi du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi
Phú Yên:
- Cơm gà: rất ngon. Cơm mềm và dẻo, thơm mùi nước luộc gà và nghệ. Nước chấm là thứ làm nên sự đặc biệt của món này. Nhất định các bạn nên thử. Tuy Hòa (Phú Yên) khá nhỏ, nên các bạn có thể thử tại những quán ăn địa phương có nhiều người bản địa mà không cần tìm hiểu những nơi dành cho du khách.
- Bánh canh chả cá: Ngay chợ Phú Yên. Bánh canh ngon và ngọt.
- Nem nướng: bên hông trường Nguyễn Văn Trỗi có một tiệm, mình ăn thấy khá ngon.
- Cá ngừ đại dương: Quán bà 8 ở đối diện sở kế hoạch là địa điểm ăn phổ biến đối với du khách. Món này đặc sản ở Phú Yên luôn! Các bạn nên ăn thử cho biết nhé.
- Ngoài ra dọc đường Bạch Đằng (bờ kè) hoặc đường Nguyễn Công Trứ có khá nhiều quán nhậu, quán ăn bình dân với khá đông dân địa phương. Ở đây phục vụ đủ các món hải sản, bò, gà, dê…với cách chế biến theo đúng gu bản địa.
- Thị xã Sông Cầu: hải sản ngon số một, và giá cũng khá rẻ nữa. Sông Cầu nằm trên đường đi từ Tuy Hòa đến Quy Nhơn. (Lại thêm một lí do để các bạn chọn xe máy là phương tiện di chuyển giữa các tỉnh!!)
Quy Nhơn:
- Bún chả cá: Phượng Tèo, quán này nổi tiếng rồi nên chắc mình không cần giới thiệu thêm nữa.
- Bánh xèo Bình Định: dọc khắp các con phố ở Quy Nhơn, thường bán vào tầm chiều tối. Bánh ăn kèm với chấm đặc trưng, rau mầm, xoài chua và các loại rau khác. Rất hấp dẫn!
- Bánh hỏi lòng heo: quán cô Năm, gần đường vào chợ Đầm. Một phần ăn bao gồm đĩa lòng heo, rau ăn kèm, một tô cháo kèm bánh tráng. Nước chấm rất đặc trưng luôn. Buổi sáng quán khá đông, các bạn nên đi sớm nhé.
- Hải Sản: trên đường Xuân Diệu có khá nhiều quán. Các bạn có thể ăn thử, giá cả ở đây không quá mắc. Để chắc chắn các bạn nên hỏi thử giá trước khi ăn cũng được.
Quảng Ngãi:
- Mỳ Quảng: đến Quảng Ngãi nhất định phải ăn mỳ Quảng. Mỳ ở đây không khác gì so với ở Đà Nẵng hay Quảng Nam, nhưng ít ra các bạn cũng nên thử một lần.
- Bánh đập và don: Món ăn vặt quen thuộc vào mỗi buổi chiều của người dân ở đây. Bánh dòn và nước chấm ăn khá đặc biệt.
- Bún cá ngừ um: Một loại bún cá rất đặc trưng nữa của miền Trung nước ta mà cả đám tụi mình ai cũng thích. Cá ngừ được um với thơm, ăn kèm bún. Món này có vị hơi cay,
- Ram thịt nướng: món ăn theo mình là đặc sắc nhất ở đây. Ram thơm mùi thịt, hành lá và giòn không tả được. Món ăn kèm rau sống, chuối chát, rau diếp cá, xà lách, tía tô…Món này ăn ở quán 72 đường Nguyễn Nghiêm. Hình như quán này nổi tiếng nhất rồi, tại mình vào đây thấy cũng đông lắm. Có cả dân địa phương lẫn khách du lịch.
Lịch trình gợi ý cho chuyến đi 7 ngày
Ngày 1: Sáng khoảng 8h mình tới Tuy Hòa sau chuyến bay kéo dài khoảng 1 tiếng. Sau khi ghé nhà một người bạn thì tụi mình thuê xe máy, sau đó đi ăn Cơm Gà ở một quán bình dân ven đường. Cơm ngon, giá 15 ngàn, khá đông người lao động ăn tại đây.
Sau đó, tụi mình đi thăm lần lượt các địa điểm: Tháp Nhạn, hải đăng Đại Lãnh, Đầm Môn, vịnh Vũng Rô, mũi Đôi. Đây là cung đường mình đã sắp xếp theo thứ tự từ thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), theo quốc lộ 1A hướng vào phía Nam. Kết thúc ngày, tụi mình quyết định nghỉ đêm tại nhà chú Hai Châu (trên đường đi ra Mũi Đôi).
Chú Hai là người địa phương, chuyên dẫn khách du lịch đi mũi Đôi. Vì đường đi Mũi Đôi rất khó khăn, nên sẽ khó đi nếu không có người dẫn đường. Chú rất nhiệt tình và thân thiện. Mục đích chính của lần đi mũi Đôi này là ghé thăm chú Hai, vì khoảng 2 năm trước mình cũng đã từng ra mũi Đôi rồi nên không có ý định quay lại nữa, một phần cũng vì tụi mình không có thời gian.
Buổi tối đầu tiên kết thúc khá sớm vì đường đi xa và mệt, thêm phần phải đi bộ từ ngoài đường lớn vào nhà chú Hai Châu (băng qua đồi cát, không thể đi bằng xe máy và mất khoảng 2 tiếng)
Ngày 2: Tụi mình thức dậy khá sớm vì mùi khói cơm của cô Hai. Khung cảnh buổi sáng ở nhà chú thật yên bình. Sau đó tụi mình ngồi ăn sáng, uống cà phê và trò chuyện với cô chú rồi dạo quanh bãi biển. Nói chung sáng này tụi mình không làm gì cả, chỉ đơn giản là đi thăm một người quen lâu ngày gặp lại.
Đầu giờ chiều tụi mình quay lại Tuy Hòa, dọc đường về lại tiếp tục ghé đây đó chụp ảnh. Đường đi rất đẹp, dễ đi và xe máy chính là lựa chọn tuyệt vời nhất. Buổi chiều về tới Tuy Hòa dạo biển và đi ăn uống với bạn bè. Kết thúc ngày thứ Hai thăm thú Phú Yên.
Ngày 3: Sáng sớm, mình trả phòng khách sạn, ăn sáng và lên đường đi tiếp về phía bắc. Tụi mình ghé qua các địa điểm Bãi Xép (chỗ quay phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), Gành đá đĩa, nhà thờ Mằng Lăng. Những địa điểm này nói chung quá nổi tiếng khi đến Phú Yên rồi, các bạn chỉ cần tìm hiểu thông tin là có thể dễ dàng đi được.
Ở đây chụp hình khá đẹp và không khí cũng trong lành nữa, không đậm chất du lịch (nếu các bạn không đi vào mùa cao điểm). Sau đó tụi mình đến thị xã Sông Cầu ăn trưa, đi dạo quanh thị xã một chút, ngồi cà phê ven đường ngắm người qua lại trước khi đi thẳng một mạch đến thành phố Quy Nhơn.
Đến Quy Nhơn, sau khi check-in khách sạn và tắm rửa, việc đầu tiên tụi mình làm lại tìm đến bãi biển để ăn uống và gặp gỡ một vài người bạn. Đêm ở Quy Nhơn không quá nhộn nhịp như Nha Trang hay Đà Nẵng và các bạn cũng có thể thưởng thức hải sản với giá rẻ hơn.
Ngày 4: Các địa điểm mình chọn cho ngày hôm nay đó là: chợ Quy Nhơn, tháp Đôi, Eo Gió và Kỳ Co. 2 địa điểm đầu tiên nằm trong trung tâm thành phố, đi rất tiện, còn Eo Gió và Kỳ Co là điểm du lịch đẹp và đáng để đi nhất ở Quy Nhơn. Các bạn đi qua cầu Thị Nại (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam), tới ngã ba Nhơn Hội, rẽ vào xã Nhơn Lý rồi hỏi người dân là sẽ thấy Eo Gió và Kỳ Co.
Hiện ở Kỳ Co đang xây dựng khu du lịch nên không thể đi bằng đường bộ, các bạn có thể đi tàu dịch vụ do người dân ở Eo Gió tổ chức để thăm Kỳ Co. Ở Kỳ Co tắm biển hay tắm nắng đều ổn cả. Buổi tối, mình quay về trung tâm đi ăn, uống sinh tố rồi quay về khách sạn vì sáng hôm sau một bạn trong nhóm sẽ bay về SG từ sân bay Phù Cát (Bình Định).
Ngày 5: Tiếp tục lịch trình du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi 7 ngày, nếu được, các bạn nên đi Tây Sơn, ghé thăm bảo tàng vua Quang Trung hoặc dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu các di tích lịch sử, tôn giáo. Vì bạn mình phải về Sài Gòn, nên cả nhóm quyết định rời khỏi Bình Định và đi Quảng Ngãi luôn.
Một phần vì tụi mình muốn đi Lý Sơn, nên rút ngắn thời gian ở Bình Định lại. Có một lưu ý là sân bay Phù Cát khá xa trung tâm (khoảng 30km), nếu các bạn quyết định kết thúc hành trình tại đây thì nên sắp xếp đi sớm để kịp giờ nhé.
Tầm đầu giờ chiều tụi mình tới Quảng Ngãi, đi tham quan một số nơi như chùa Thiên Ấn, mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, bãi biển Mỹ Khê và đi dạo chợ đêm trước khi về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi đến Lý Sơn vào ngày mai.
Ngày 6: Buổi sáng, sau khi trả phòng khách sạn, tụi mình đến cảng Sa Kỳ để đi tàu ra đảo. Thời gian đi tàu khoảng 45’. Các bạn nên đến cảng càng sớm càng tốt nhé (khoảng 6h-6h30), vì tàu có đủ khách sẽ chạy, mặc dù vẫn có để bảng lịch trình tàu.
Giá vé lúc mình đi là 100 ngàn/1 người. Tới Lý Sơn, tụi mình nghỉ ngơi rồi thuê xe đi dạo vòng quanh huyện đảo, giá thuê xe máy là 150 ngàn/ 1 chiếc. (xe máy đã thuê ở Phú Yên bọn mình gửi lại tại Cảng với giá 50 ngàn/1 chiếc vì không nghĩ ra đảo sẽ phải di chuyển bằng xe máy. Hơn nữa, tiền công vận chuyển xe ra đảo cũng khá đắt). Các địa điểm nhóm mình ghé qua bao gồm: tượng đài, chùa Hang, Hải đăng lớn và đình làng An Hải.
Buổi chiều, cả nhóm tiếp tục ghé thăm núi Thới Lới, hang Câu, Âm Linh Tự. Buổi chiều, các bạn nhớ canh giờ để đến chùa Đục – cổng Tò Vò để ngắm hoàng hôn. Tụi mình đặt bữa tối ngay tại nhà nghỉ. Phần ăn gồm đầy đủ các món đặc sản, ăn rất ngon và no. Đặc biệt, mình rất thích món tỏi Lý Sơn xào và cá tà ma hấp. Giá khá ổn, khoảng 70-80 ngàn/1 người.
Ngày 7: Tụi mình dậy sớm để đón hoàng hôn ở Hòn Mù Cu. Bình minh ở đảo rất bình yên và đẹp. Mặc dù đã đón bình minh nhiều lần, nhưng với mình cảm giác đón bình minh trên đảo rất khác thì phải. Sau đó, tụi mình quay về nhà nghỉ ăn sáng rồi dọn hành lí trước khi ra tàu trở về đất liền.
Nhóm mình về lại cảng Sa Kỳ khoảng 10h sáng, đi lòng vòng ăn uống rồi ra ga tàu gửi xe máy về lại Phú Yên, sau đó thuê taxi ra sân bay Chu Lai để đáp chuyến bay về lại SG lúc 3h chiều. Kết thúc hành trình 7 ngày đầy cảm xúc dọc bờ biển miền Trung.
Chi phí: Chi phí cho chuyến đi của một người bao gồm:
- 1 triệu tiền vé máy bay
- 800 ngàn tiền khách sạn cho 6 đêm,
- 600 ngàn tiền xăng xe,
- 400 ngàn cho các chi phí lặt vặt khác (vé tham quan chùa tháp, vé tàu lên đảo, vé tham quan hải đăng Đại Lãnh, vé vào Gành Đá Đĩa)
- 200 ngàn tiền gửi xe máy theo tàu, 800 ngàn tiền ăn uống
Vì lần này mình đi có sự hỗ trợ của bạn bè ở địa phương, nên khoản ăn uống tốn khá ít. Mình nghĩ các bạn nên dự trù khoảng 1,2 triệu-1,4 triệu tiền ăn cho 7 ngày/1 người.
Như vậy, chi phí du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi 7 ngày của một người mình nghĩ sẽ vào khoảng 4 – 4,5 triệu để các bạn có một chuyến đi 7 ngày thú vị và nhiều dấu ấn đẹp. Cung đường Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi còn khá mới, chưa phổ biến và đông khách du lịch. Nhưng bù lại, cảnh đẹp, thức ăn ngon và con người ở nơi đây sẽ khiến bạn không thể nào quên được.
Tham khảo thêm: Kinh nghiệm du lịch Phú Yên & Hướng dẫn du lịch Quãng Ngãi & Quy Nhơn
Chúc các bạn có một chuyến đi vui và nhiều kỉ niệm. Hy vọng với những chia sẻ về kinh nghiệm du lịch Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi 7 ngày & chi phí sẽ giúp bạn có những thông tin bổ ích cho chuyến đi nhé.