Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất mang tên Khoái Châu cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ có lúc lại nhớ quê tới da diết đến vậy cho tới khi đỗ và vào Hà Nội học đại học. Xa nhà, xa vườn nhãn, xa những con gà Đông Tảo bố mẹ chăm để cuối năm cúng Tết lúc này mới thấy ngực vang lên hai tiếng “Khoái Châu”. Vậy nên tranh thủ cuối tuần được nghỉ tôi về quê và dẫn các bạn tranh thủ ghé thăm nhà tôi nhé.

Quê nhà tôi hai tiếng “Khoái Châu” đậm ân tình
Đường về nhà “Khoái Châu”
Hành trình về nhà tôi “Khoái Châu” từ Hà Nội không quá xa nhưng cũng đầy thử thách với những đứa say xe như tôi. Do vậy để thấy thoải mái hơn tôi chọn phương án là tự mình lái con ware bố mẹ mua cho hồi đỗ đại học về cho tiện. Chất lên xe một số món quà thành phố là một vài cân hoa quả nhập vậy là yên tâm lên đường.

Cứ thẳng hướng cầu Chương Dương, qua Nguyễn Văn Cừ rồi đi vào đường 5 tới ngã tư Phú thụy bạn rẽ phải đến Bưu điện huyện Văn Giang thì rẽ trái đi khoảng 15km nữa là đến quê tôi rồi đấy. Được cái đường xá giờ dễ đi, thẳng đường, trải nhựa bê tông hết nên bạn yên tâm nhé. Chứ không như hồi tôi mới lên đại học chẳng bao giờ dám đi về bằng xe máy luôn vì đường nhiều ổ gà thậm chí ổ voi luôn.
Mãi sau thằng bạn tôi còn chỉ cho tôi một cách đi nhanh chóng hơn nữa để về quê đó là bạn đi theo đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đến cầu vượt thứ 2 thì rẽ trái. Khi bạn đi qua nhà máy bia đến đê sông Hồng thì hỏi đến bến đò Chương Dương. Đi qua đò là bạn đã tới được đất của Khoái Châu. Đường này gần hơn đường ở tuyến 1 khoảng 20km.
Những điểm nhấn của nhà tôi “Khoái Châu”

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung
Về thăm nhà tôi vào những ngày tháng 8 sẽ không có lễ hội nào diễn ra cả nhưng tôi vẫn muốn giới thiệu đôi nét về điểm nhấn văn hóa đặc biệt này.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung diễn ra ở Đền Đa Hòa, đền Hóa Dạ Trạch ( ở hai xã Bình Minh và Dạ Trạch) – đây là hai di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với huyền tích tình yêu bất tử của Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung.
Hằng năm vào dịp tháng 2 âm lịch lễ hội tình yêu sẽ được diễn ra để tưởng nhớ giai thoại giữa chàng trai đánh cá nghèo họ Chử và nàng công chúa kiêu sa diễm lệ Tiên Dung con gái của Vua Hùng thứ 18. Bạn sẽ được tham gia các nghi lễ độc đáo cũng như vô số các trò chơi dân gian như: múa rồng, cờ người, đi cầu kiều,…Nếu về quê tôi mà không ghé lễ hội coi như chưa tới Khoái Châu đâu đấy.

Nghệ thuật hát Trống Quân
Quê tôi còn được biết tới khi là cái nôi của nghệ thuật truyền thống hát Trống Quân tại xã Dạ Trạch. Nếu bạn chưa hiểu thì đây chính là hình thức hát giao duyên đối đáp giữa nam và nữ từ đó để thể hiện những tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người tới tình yêu nam nữ đáng để trân trọng
Đền thờ bà Hoàng Thị Loan
Về Khoái Châu, tìm đến làng Vân Nội, xã Hồng Tiến, là quê hương của bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bạn sẽ thấy được vẻ đẹp giản dị của ngôi nhà thờ như đức tính của bà. Tại đây, bạn sẽ được nghe thuyết minh về cuộc đời đầy gian nan vất vả của người con gái họ Hoàng, sự hi sinh dành cho chồng và các con, một người có đủ phẩm chất: công, dung, ngôn, hạnh.
Những đặc sản của của quê tôi “Khoái Châu”

Nhãn Khoái Châu vào mùa thu hoạch
Nhắc đến Khoái Châu là nhắc tới những khu vườn nhãn sai trĩu quả. Nhãn lồng Hưng Yên từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng quốc gia và bạn biết ở đâu Hưng Yên trồng nhiều nhãn nhất không hí hí đó chính là Khoái Châu nhà tôi đó. Cây nhãn được ví như linh hồn của mảnh đất này để trồng được loại cây này bạn cần phải học hỏi thật nhiều từ kỹ thuật, chăm sóc, vun đất, bón phân…để có thể cho ra những trái nhãn to ngọt được xuất đi muôn nơi.

Nhà tôi cũng có một vườn nhãn đây cũng chính là nguồn sống, là tiền học của mấy anh chị em tôi. Vào vụ thu hoạch nhãn cả nhà vất vả từ sáng tới tối muộn nhưng lúc nào cũng đông đủ, vui nhộn giờ xa nhà ra Hà Nội học không giúp được nhiều bố mẹ nữa thấy càng trân quý hơn thức quả đặc sản của Khoái Châu.
Bưởi Diễn, cam đường

Vào độ giáp tết nếu bạn về quê tôi chắc còn được thưởng thức thêm cả bưởi Diễn và cam đường nữa đó ngon quên lối về. Ai từ Khoái Châu lên Hà Nội cũng tay xách nách mang chục cân cam, cả tải bưởi để làm quà cho mọi người trên phố. Tôi còn tranh thủ bán hoa quả online dịp cận tết để có thêm đồng ra đồng vào mua quà cho bố mẹ với các em nữa. Đó cũng là những trải nghiệm mà tôi không thể nào quên.
Gà Đông Tảo Khoái Châu

Nhắc về du lịch Khoái Châu mà không nhắc tới đàn gà Đông Tảo của bố mẹ tôi nuôi là hơi bị thiếu xót đó. Một giống gà nổi tiếng cổ truyền thống ở Khoái Châu với đôi chân sù sì to khổng lồ. Còn gì thịnh soạn bằng một bữa ăn ngày tết với 7 món được chế biến từ gà Đông Tảo gồm: Chân gà hầm thuốc Bắc, đùi gà hấp lá chanh, thịt gà lọc hấp với xôi sen, da gà bóp thính, thịt ức xào lăn, gà xào miến…đủ để bạn thấy thèm chưa. Với tôi thì món mà mấy anh chị em hay tranh nhau nhất chính là chân gà hầm thuốc bắc đó đôi chân to cắn ngập răng còn gì đã hơn.
Chả gà Tiểu Quan

Bạn phải là người yêu và am hiểu về quê tôi lắm mới được người dân nơi đây đãi món chả gà Tiểu Quan nhé. Nghe thì đơn giản nhưng chứa chan ân tình “Khoái Châu” không thể nào kể hết. Chả gà vàng óng, thơm mùi gà, thoảng thoảng mùi vỏ quýt, hạt tiêu ăn một lần là nhớ mãi luôn.
Xem thêm một số thông tin về du lịch Hưng Yên:
- Kinh nghiệm du lịch Hưng Yên 1 ngày
- TOP các địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Hưng Yên
- Du lịch Hưng Yên nên ăn gì, ăn ở đâu?
Khoái Châu quê tôi không nổi tiếng về du lịch nhưng về văn hóa và đặc sản thì khó có nơi nào sánh bằng. Chỉ cần nhớ tới nhãn, nhớ tới gà Đông Tảo, nhớ tới Chử Đồng Tử – Tiên Dung là auto nghĩ tới Khoái Châu rồi. Từ ngày đi học tôi ít về nhà hơn nhưng chính vì xa quê mà tôi lại thấy quê tôi đẹp hơn, thơ mộng hơn và trong trong tôi luôn khắc sâu quê nhà tôi là hai tiếng “Khoái Châu” đậm ân tình.